Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Cây chùm ngây chữa bệnh gì?

Cây chùm ngây?


-Tên gọi khác: Cây kỳ diệu (tên từ nước ngoài), Cây cải ngựa (từ nước ngoài)
-Tên tiếng Anh: Moringa tree, Drumstick tree, Horseradish tree, Indian   Horseradish tree, ben oil tree.
-Tên khoa học: Moringa oleifera Lam.
-Tên đồng nghĩa: Moringa pterygosperma.
-Các loài tương cận:
Moringa arborea (Chùm ngây Ấn Độ)
Moringa stenopetala (Chùm ngây Châu Phi)

Phân loại cây chùm ngây?


Chi Chùm ngây (Moringa) có 13 loài, tất cả trong số chúng đều là các cây thân gỗ nhỏ, sinh sống trong khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Khu vực phân bổ chủ yếu của chúng là Đông bắc và Tây nam Châu Phi, Madagascar, bán đảo Ả Rập và Nam Á.

Có 2 loài phổ biến nhất là:

Cây Chùm ngây (cải ngựa) (Moringa oleifera), có nguồn gốc ở vùng Nam Á từ khu vực thuộc bang Kerala của Ấn Độ. Loài cây này đã có lịch sử trồng trọt tới hơn 4.000 năm. Nó rất phổ biến ở Châu Á và Châu Phi.

Cây chùm ngây Châu Phi (Moringa stenopetala) ít phổ biến hơn.

Cây chùm ngây (Moringa oleifera) được trồng ở những vùng đất khô, nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới. Cây này chuộng đất ráo nước, nhiều cát, dù là đất xấu cũng dễ mọc, chịu được hạn hán.

Trong hầu hết các bộ phận của cây đều chứa các chất mà con người cần như: Khoáng chất, vitamin, các axit amin, bêta-caroten, phenolics...
Cây chùm ngây
Cây Chùm Ngây rất phổ thông ở Ấn Độ và được dân tộc Ấn trân trọng đặt tên là cây Độ Sinh (Tree of Life). Các nhà dược học, các nhà khoa học nghiên cứu thực vật học, dựa vào hàm lượng dinh dưỡng và nguồn dược liệu quí hiếm được kiểm nghiệm, đã không ngần ngại đặt tên cho nó là cây Thần Diệu (Miracle Tree).

Phân bố cây chùm ngây


Bản địa của cây chùm ngây là ở vùng sơn cước Hi Mã Lạp Sơn ở Tây bắc Ấn Độ nhưng ngày nay được trồng rộng rãi ở Châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ, và Đông Nam Á (Campuchia, Malaysia, Indonesia).

Loài cây Chùm ngây (Moringa oleifera) được mọc hoang và trồng tại nhiều nơi trong khu vực nhiệt đới Châu Á và là loài duy nhất của Chi Chùm ngây có mặt tại Việt Nam.

Cây Chùm ngây (Moringa oleifera), có ở Việt Nam ta từ lâu đời (mọc hoang nhiều nhất ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận) nhưng trong vài chục năm trở lại đây người ta nghiên cứu thấy nó có nhiều tác dụng đặc biệt nên tưởng là cây mới du nhập.

Ở Việt Nam cây chùm ngây được trồng nhiều ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận nhưng cũng có mặt ở nững tỉnh khác như Thanh Hóa và đang được mở rộng ở khắp cả nước.

Có thể nói chùm ngây là một loài cây đa dụng; mỗi bộ phận đều có thể dùng được.

Mô tả chi tiết cây chùm ngây


Cây chùm ngây (Moringa oleifera) thuộc loài cây tiểu mọc, sống ở môi trường khô ráo, không thích nghi môi trường úng nước.

Thân: Là cây thân gổ nhỏ, cao 5-6 m (có thể đến 10 m), phân cành nhiều.

Lá: Lá kép ba lần dạng lông chim, dài 30-60 cm, lá chét hình tròn hay hình trái xoan, dài 10-12 cm, màu xanh lục mốc, không lông, mọc đối từ 6-9 đôi, lá bẹ bao lấy chồi.

Hoa: Hoa màu trắng, to, có cuống, mọc thành chùy ở nách lá, trông hơi giống hao hoa Đậu, 5 cánh hoa, dảnh lên; 5 tiểu nhị thụ, xen với 5 tiểu nhị lép; noãn sào 1 buồng, đính phôi trắc mô ba, có hương thơm, hoa nấu ăn được. Sau trồng 8 tháng là cây bắt đầu cho hoa. Mùa hoa tháng 1.

Quả: Quả nang treo, dài 25-30 cm (có khi đến 55 cm), ngang 2-3 cm, có hình dáng giống quả đậu Cô ve, có 3 mảnh, dọc theo quả có khía rãnh.

Hạt: Quả cho nhiều hột tròn, có 3 cạnh, cở hạt đậu Hà Lan, cở 0,5 cm, có cánh mỏng bao quanh.

Cây chùm ngây được trồng ở những vùng đất khô, nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới. Cây này chuộng đất ráo nước, nhiều cát, dù là đất xấu cũng dễ mọc, chịu được hạn hán.

Ở Việt Nam Cây chùm ngây trồng được ở cao độ dưới 500 m; lá ăn được như rau, trái (nạc nương) dùng làm bột cà ri; dầu từ hột ăn được, có tính làm giảm sự thụ thai. Cây gặp ở Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc”.

Thành phần hóa học


Theo phân tích của người Pháp:

Đầu thập niên 1950, Vialard Goudou đã phân tích lá Chùm ngây mà nhân dân Việt Nam bán ở các chợ để làm rau ăn, cho thấy lá cây chùm ngây rất giàu dinh dưỡng, nhất là chất đạm, chất sắt và sinh tố C.

Lá Chùm ngây tươi chứa 6,35 g% chất đạm, 1,7 g% chất béo, 8 g% bột đường; 1,9 g% chất xơ; 3,75 g% chất khoáng; 50 mg% phosphor; 25 mg% natri; 216 mg% kali; 122 mg% calci; 123 mg% magnesium; 0,1 mg% đồng, 16,4 mg% sắt, 6.250 UI% sinh tố A; 0,3 mg% B2; 2,3 mg% PP và 110 mg% sinh tố C.

Sách Nghiên cứu y học cổ truyền Đông Dương (Les Plantes Médicinales du Cambodge, du Laos et du Vietnam) của Alfred Petelot, Saigon 1953, cho thấy tất cả bộ phận của cây đều chứa một chất glycosid có vị cay cay giống như hột Cải cay (mù tạc).

Thân, cành và vỏ rễ Chùm ngây chứa moringin (= belzylamil), moringinin, athonin, spirochin, pterigospermin.

Chất gôm tiết từ thân cây Chùm ngây chứa polyuronid gồm arabinoz, galactoz, rhamnoz, glycuronic acid. Mùi Cải ngựa và rễ Chùm ngây là do chất benzyl - isothiocyanat.

Công dụng cây chùm ngây?

Đọt non, lá non, hoa và quả, hạt non của cây được dùng làm rau

Cây chùm ngây (Moringa oleifera) là một loài thực vật được trồng và thu hoạch như một loại rau sạch vừa là cây thuốc có giá trị.

Các bộ phận dùng làm rau gồm:

Đọt và lá non: Được dùng làm rau phổ biến ở Việt Nam, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Nam Ấn Độ, Sri Lanka và Châu Phi.

Búp hoa: Được làm rau xào hoặc nấu như đậu Hà Lan.
Hoa: Có thể ăn được khi nấu chín và có mùi như nấm.

Quả và hạt non: Được gọi là "đùi", được dùng làm ra phổ biến ở Châu Á và Châu Phi. Trong vỏ hạt rất giàu vitamin C và vitamin B và các khoáng chất. Quả và hạt non ăn như Đậu Hà Lan.

Hoa, lá và cành non, trái non đều luộc ăn được, lại có kích thích tiêu hóa và có tính kháng sinh (nhờ chất lacton: ptyrigospermin).

Lá cây chùm ngây được xem là phần bổ dưỡng nhất của của cây, là một nguồn quan trọng của vitamin B6, vitamin C, tiền vitamin A như beta-carotene, magiê và protein, trong số các chất dinh dưỡng khác theo báo cáo của USDA điều rất cao.

Ở phương Tây, các lá được nấu chín và được sử dụng như rau bina. Ngoài được sử dụng tươi thay thế cho rau bina, lá của nó còn được sấy khô và nghiền thành bột được sử dụng trong súp và nước sốt. Điều quan trọng là phải nhớ rằng giống như hầu hết các loài rau khi nhiệt độ trên 140 độ F sẽ phá hủy một số chất dinh dưỡng.

Ở Nam Ấn Độ và Sri Lanka, các đọt non của cây chùm ngây được chiên, hoặc nấu cà ri với nước cốt dừa, hạt poppy để tăng thêm hương vị của món cà ri chua hay ngọt. Bẹ lá được để nguiye6n hoặc xắt nhỏ để trang trí cho các món rau và sa lát để tăng thêm hương vị. Lá được sử dụng thay thế hoặc cùng với rau mùi.

Ở một số vùng, những bông hoa được thu gom và làm sạch để nấu chín với các món xào besan và pakoras.
Bột cây chùm ngây
Ở Bangladesh, đọt cây chùm ngây được dùng để nấu các món cà ri, sambars, kormas và anddals như ở Ấn Độ, ngoài ra nó còn được dùng để tăng hương vị cho các món nấu với thịt và nhiều món ăn khác. Thị quả và hạt non được dùng để nấu canh, Lá non được chiên với tôm hoặc thêm vào các món súp cá sang trọng.

Ở Đông Java (Indonesia) lá và đọt non cây chùm ngây được dùng để nấu món canh chua hoặc súp rau hỗn hợp. Lá có thể được chiên và trộn với thịt cá ngừ (cá Maldive) chiên khô, hành tây và ớt khô. Ở Khu vực Maldives, món súp được nấu từ gạo với lá cây chùm ngây để dùng trong tháng ăn kiêng Ramazan. Quả non được dùng trong món trứng tráng và để nấu món cà ri nhẹ.

Ở Pakistan, tại khu vực Saraiki Nam Punjab, búp hoa cây chùm ngây được luộc chín, tán nhuyễn và để đông lại, dùng để nêm vào các món ăn ưa thích.

Ở Thái Lan đọt non, lá và hoa cây chùm ngây dùng để nấu các món cà ri, xào, súp, trứng gà rán và rau trộn. Một trong những món ăn truyền thống nhất là món Cà ri chua Thái  được nấu với cụm hoa và cá.

Ở Campuchia lá cây chùm ngây được nấu thành món canh gọi là m'rum hoặc súp hỗn hợp được gọi là korko.

Ở Philippines lá cây chùm ngây được bán phổ biến trên thị trường với giá cả phải chăng. Các lá thường được nấu món súp đơn giản và bổ dưỡng. Các lá đôi khi cũng được sử dụng như là một thành phần đặc trưng trong món intinola, một món canh gà truyền thống của Philippines được nấu bằng thịt gà với lá chùm ngây và đu đủ xanh. Lá cây chùm ngây còn được trộn với dầu ô liu, nước sốt pasta pesto đã trở thành phổ biến trên trường ẩm thực Philippines. Nước trái cây chùm ngây pha chanh dùng làm bánh kẹo và nước đá hoặc thức uống lạnh dược dùng cho những người không ưa thích ăn rau.

Ở Việt Nam lá cây chùm ngây được dùng trong ẩm để nấu canh. Hoa chùm ngây phơi khô có thể dùng nấu lấy nước uống như một loại trà. Trái non được dùng như đậu ve. Khi già, hạt chùm ngây thì có thể đem rang lên và ăn như đậu phộng.

Các bộ phận cây chùm ngây được dùng làm thuốc


Theo Đông y


Vỏ cây, nhựa cây, rễ, lá, hạt, dầu, và hoa được sử dụng trong y học cổ truyền ở một số nước.

Theo Y học cổ truyền nước ngoài thì các bộ phận của cây như lá, rễ, hạt, vỏ cây, quả và hoa.. có những hoạt tính như kích thích hoạt động của tim và hệ tuần hoàn, hoạt tính chống u-bướu, hạ nhiệt, chống kinh phong, chống sưng viêm, trị ung loét, chống co giật, lợi tiểu, hạ huyết áp, hạ cholesterol, chống oxy-hóa, trị tiểu đường, bảo vệ gan, kháng sinh và chống nấm.. Cây đã được dùng để trị nhiều bệnh trong Y-học dân gian tại nhiều nước trong vùng Nam Á. (Phytotherapy Research Số 21-2007).

Ở Ấn Độ:


Cây Chùm Ngây được gọi là sainjna, mungna (Hindi, Asam, Bengal..). Là một trong những cây thuốc “dân gian” rất thông dụng tại Ấn Độ.

Lá trị ốm còi, gây nôn và đau bụng khi có kinh.

-Vỏ thân được dùng trị nóng sốt, đau bao tử, đau bụng khi có kinh, sâu răng, làm thuốc thoa trị hói tóc; trị đau trong cổ họng (dùng chung với hoa của cây nghệ, hạt tiêu đen, rễ củ Dioscorea oppositifolia); trị kinh phong (dùng chung với thuốc phiện); trị đau quanh cổ (thoa chung với căn hành của Melothria heterophylla, Cocci niacordifolia, hạt mướp (Luffa) và hạt Lagenaria vulgaris); trị tiểu ra máu; trị thổ tả (dùng chung với vỏ thân Calotropis gigantea, Tiêu đen, và Chìa vôi.

Thân cây bị vết chặt sẽ tiết ra một gôm trắng đục, sau phơi nắng trở thành hồng hay đỏ nâu ở mặt ngoài. Gôm này có tính trương nở lớn, ở Ấn Độ người ta đã biết dùng làm trương nở cổ tử cung để phá thai (Pharmacographia Indica 1890).

Hoa dùng làm thuốc bổ, lợi tiểu. Quả giã kỹ với gừng và lá Justicia gendarussa để làm thuốc đắp trị gẫy xương.

Hạt: dầu từ hạt để trị phong thấp.

Ở Pakistan: 


Cây chùm ngây được gọi là Sajana, Sigru. Cũng như tại Ấn, Cây Chùm Ngây được dùng rất nhiều để làm các phương thuốc trị bệnh trong dân gian. Ngoài các cách sử dụng như tại Ấn độ, các thành phần của cây còn được dùng như:

Lá giả nát đắp lên vết thương, trị sưng và nhọt, đắp và bọng dịch hoàn để trị sưng và sa; trộn với mật ong đắp lên mắt để trị mắt sưng đỏ..

Vỏ thân dùng để phá thai bằng cách đưa vào tử cung để gây giãn nở.

Vỏ rễ dùng sắc lấy nước trị đau răng, đau tai..Rễ tươi của cây non dùng trị nóng sốt , phong thấp, gout, sưng gan và lá lách..

Nhựa từ chồi non dùng chung với sữa trị nhức đầu, sưng răng..

Ở Châu Phi và Indonesia:


Lá cây chùm ngây được các bà mẹ nuôi con ăn để tin rằng chúng làm tăng tiết sữa.

Ở Trung Mỹ: 


Hạt Cây Chùm Ngây được dùng trị táo bón, mụn cóc và giun sán.

Ở Saudi Arabia:


Hạt Cây Chùm Ngây được dùng trị đau bụng, ăn không tiêu, nóng sốt, sưng tấy ngoài da, tiểu đường và đau thắt ngang hông.

Ở Senegal:


Người ta dùng cành, lá sắc uống trị còi xương, viêm cuống phổi, phù nề, thấp khớp.

Ở Philippines: 


Người ta dùng rễ làm thuốc đắp thế mù tạc làm tụ máu, nó gây cảm giác rất đau.

Theo Y học cổ truyền Việt Nam thì cành lá cây chùm ngây luộc ăn hay sắc uống kích thích tiêu hóa, kiện vị, trị tiêu chảy, kiết lỵ, viêm phổi. Rễ Chùm ngây sắc uống, có tác dụng kiện vị; giã đắp làm sung huyết (tụ máu) thay cải Mù tạc trị thấp khớp.

Rễ  Cây Chùm Ngây được cho là có tính kích thích, giúp lưu thông máu huyết, làm dễ tiêu hóa, tác dụng trên hệ thần kinh, làm dịu đau. Hoa có tính kích dục. Hạt làm giảm đau. Nhựa (gomme) từ thân có tác dụng làm dịu đau.

Chú ý! Liều lượng và các phản ứng phụ cần lưu ý!

Hiện nay chưa có những báo cáo về những nguy hại đối với sức khoẻ trong việc sử dụng Hạt và Rễ  Cây Chùm Ngây  theo các liều lượng trị liệu. Tuy nhiên dùng liều quá cao có thể gây ra buồn nôn, chóng mặt và ói mửa.

Liều cho uống: 5gram/ kg trọng lượng cơ thể, thử trên chuột, gây phản ứng keratin hóa quá mức tế bào bao tử và sơ hóa tế bào gan.

Liều chích qua màng phúc toan 22 đến 50 mg/ kg trọng lượng cơ thể gây tử vong nơi chuột thử nghiệm.

Không nên dùng Rễ  Cây Chùm Ngây  nơi phụ nữ có thai, vì có khả năng gây trụy thai. (theo DS Trần Viết Hưng/ ĐH Cần Thơ).

Theo Tây y


Cây Chùm Ngây (Moringa oleifera) được xem là một cây đa dụng, rất hữu ích tại những quốc gia nghèo thuộc “Thế giới thứ ba” nên đã được nghiên cứu khá nhiều về các hoạt tính dược dụng, giá trị dinh dưỡng và công nghiệp. Đa số các nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ, Philippines, và Phi Châu..

Do là cây rau và cây thuốc còn được mệnh danh là cây Độ Sinh (Tree of Life) hay cây Thần Diệu (Miracle Tree) nên cây chùm ngây là một trong những loài cây rau làm thuốc được nghiên cứu nhiều nhất thế giới.

Khả năng kháng sinh diệt vi khuẩn và vi nấm:


Chất Athonin có tác dụng kháng sinh trên vi trùng dịch tả (Vibrio cholerae) và hoạt tính của nó nằm giữa chloromycetin và streptomycin (Sen Gupta và cs 1956).

Chất Spirochin có tính kháng sinh trên vi khuẩn gram+ nhất là chống Staphyllococcus và Streptococcus (Chatterjee, 1951).

Dịch chiết từ cây chùm ngây được xác định tác dụng kháng sinh chống lại nhiều dòng vi khuẩn nhờ hoạt chất Pterigospermin của nó.

Chất Pterigospermin là kháng sinh quan trọng nhất của cây Chùm ngây, với kháng khuẩn phổ rộng, trên cả vi khuẩn gram+ lẫn gram-: Micrococcus pyogenes var. aureus, Bacillus subtilis, Escherichia coli, Aerobacter aerogenes, Salmonella typhi, Salmonella enteritidis, Shigella dysenteriae, Mycobacterium tuberculosis (Kurup và Narasimha 1954).

Chất chiết từ vỏ cây có tính kháng sinh trên Micrococcus pyogenes var. aureus, Bacillus subtilis, Diplococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Escherichia coli, Salmonella typhi, Vibrio coma, Shigella dysenteriae, Mycobacterium phlei.

Nó cũng ức chế vi nấm Microsporum gypseum, Trichophyton mantagrophytes, Candida albicans, Helminthosporium sativum (Bhatnaga và cs 1961).

Trích tinh lá bằng ether có tác dụng trụ sinh (bacteriostatic activity) đối với Staphyllococcus aureus và Salmonella typhi (Bhawasa và cs 1965).

Chất 4 (alpha-L-Rhamnosyloxy) benzyl isothiocyanate được xác định là có hoạt tính kháng sinh mạnh nhất trong các hoạt chất trích từ hạt Chùm Ngây (trong hạt Chùm Ngây còn có benzyl isothiocyanate). Hàm lượng chất này rất cao: 8 - 10%, với điều kiện trong quá trình tách chiết phải thêm ascorbic acid vào nước trích. Nó có tác dụng kháng sinh với rất nhiều vi khuẩn và vi nấm (Eilert và cs, 1981).

Nồng độ tối thiểu để ức chế Bacillus subtilis là 56 micromol/l và để ức chế Mycobacterium phlei là 40 micromol/l (Planta Medica Số 42-1981).

-Nghiên cứu tại Viện Institute of Bioagricultural Sciences, Academia Sinica, Đài Bắc (Taiwan) ghi nhận dịch chiết từ lá và hạt Chùm Ngây bằng ethanol có các hoạt tính diệt được nấm gây bệnh loại Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes, Epidermophyton floccosum và Microsporum canis. Các phân tích hóa học đã tìm được trong dầu trích từ lá Chùm Ngây đến 44 hóa chất kháng sinh. (Bioresource Technology Số 98-2007).

Tác dụng của quả Chùm Ngây trên cholesterol và lipid trong máu: 


Nghiên cứu tại Đại Học Baroda, Kalabhavan, Gujarat (Ấn Độ) về hoạt tính trên các thông số lipid của quả Chùm Ngây, thử trên thỏ, ghi nhận : Thỏ cho ăn Chùm Ngây (200mg/kg mỗi ngày) hay uống lovastatin (6mg/kg/ ngày) trộn trong một hổn hợp thực phẩm có tính cách tạo cholestero cao, thử nghiệm kéo dài 120 ngày. Kết quả cho thấy Chùm Ngây và Lovastatin có tác dụng gây hạ cholesterol, phospholipid, triglyceride, VLDL, LDL hạ tỷ số cholesterol/ phospholipid trong máu..so với thỏ trong nhóm đối chứng. Khi cho thỏ bình thường dùng Chùm Ngây hay Lovastatin : mức HDL lại giảm hạ nhưng nếu thỏ bị cao cholesterol thì mức HDL lại gia tăng. Riêng Chùm Ngây còn có thêm tác dụng làm tăng sự thải loại cholesterol qua phân (Journal of Ethnopharmacology Số 86-2003).

Giảm bệnh tiểu đường:


Dịch chiết từ cây chùm ngây được xác định cải thiện dung nạp glucose (glucose tolerance) trên mô hình thí nghiệm chuột mắc bệnh tiểu đường (diabetes), ức chế hoạt động của virus Epstein-Barr trong ống nghiệm (in vitro) và giảm bệnh viêm da do virus (papillomas) ở chuột.

Tính kháng ung thư:


Chất chiết bằng cồn của cây Chùm ngây, kể cả rễ, có tính kháng ung thư biểu mô mũi hầu, trên mô cấy và tế bào lymphô P388 của ung thư bạch cầu của Chuột (Dhawan và cs 1980).

Các hoạt tính chống co-giật, chống sưng và gây lợi tiểu: 


Dịch trích bằng nước nóng của hoa, lá, rễ, hạt..vỏ thân Chùm Ngây đã được nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên cứu Kỹ Thuật (CEMAT) tại Guatamala City về các hoạt tính dược học, thử nơi chuột. Hoạt tính chống co giật được chứng minh bằng thử nghiệm trên chuột đã cô lập, hoạt tính chống sưng thử trên chân chuột bị gây phù bằng carrageenan và tác dụng lợi tiểu bằng lượng nước tiểu thu được khi chuột được nuôi nhốt trong lồng.

Nước trích từ hạt cho thấy tác động ức chế khá rõ sự co giật gây ra bởi acetylcholine ở liều ED50= 65.6 mg/ml môi trường ; tác động ức chế phụ gây ra do carrageenan được định ở 1000mg/kg và hoạt tính lợi tiểu cũng ở 1000 mg/kg. Nước trích từ Rễ cũng cho một số kết quả (Journal of Ethnopharmacology Số 36-1992).

Khả năng ngừa thai của Rễ Chùm Ngây: 


Nghiên cứu tại Đại Học Jiwaji, Gwalior (Ấn Độ) về các hoạt tính estrogenic, kháng estrogenic, ngừa thai của nước chiết từ Rễ Chùm Ngây ghi nhận chuột đã bị cắt buồng trứng, cho uống nước chiết, có sự gia tăng trọng lượng của tử cung. Hoạt tính estrogenic được chứng minh bằng sự kích thích hoạt động mô tế bào tử cung.

Khi cho chuột uống nước chiết này chung với estradiol dipropionate (EDP) thì có sự tiếp nối tụt giảm trọng lượng của tử cung so sánh với sự gia tăng trọng lượng khi chỉ cho chuột uống riêng EDP. Trong thử nghiệm deciduoma liều cao nhất 600mg/kg có tác động gây rối loạn sự tạo deciduoma nơi 50 % số chuột thử . Tác dụng ngừa thai của Rễ Chùm Ngây được cho là do nhiều yếu tố phối hợp (Journal of Ethnopharmacology Số 22-1988).

Các chất gây đột biến genes từ hạt Chùm ngây rang chín: 


Một số các hợp chất các chất gây đột biến genes đã được tìm thấy trong hạt Chùm Ngây rang chín: Các chất quan trọng nhất được xác định là 4 (alpha Lrhamnosyloxy) phenylacetonitrile; 4 - hydroxyphenylacetonitri le và 4 – hydroxyphenyl - acetamide. (Mutation Research Số 224-1989).

Hoạt tính của Rễ Chùm ngây trên Sạn thận loại Oxalate: 


Thử nghiệm tại Đại Học Dược K.L.E.S, Nehru Nagar, Karnakata (Ấn Độ) trên chuột bị gây sạn thận, oxalate bằng ethylen glycol ghi nhận dịch chiết bằng nước và alcohol rễ cùng lõi gỗ Chùm Ngây làm giảm rõ rệt nồng độ oxalate trong nước tiểu bằng cách can thiệp vào sự tổng hợp oxalate trong cơ thể. Sự kết đọng tạo sạn trong thận cũng giảm rất rõ khi cho chuột dùng dịch chiết này như một biện pháp phòng ngừa bệnh sạn thận.

Dùng hạt Chùm ngây để lọc nước: 


Hạt Chùm Ngây có chứa một số hợp chất “đa điện giải” (polyelectrolytes) tự nhiên có thể dùng làm chất kết tủa để làm trong nước.

Kết quả thử nghiệm lọc nước: Nước đục (độ đục 15-25 NTU, chứa các vi khuẩn tạp 280-500 cfu ml (-1), khuẩn coli từ phân 280-500 MPN 100 ml(-1). Dùng hạt Chùm Ngây làm chất tạo trầm lắng và kết tụ, đưa đến kết quả rất tốt (độ đục còn 0.3-1.5 NTU; vi khuẩn tạp còn 5-20 cfu; và khuẩn coli còn 5-10 MPN..) Phương pháp lọc này rất hữu dụng tại các vùng nông thôn của các nước nghèo..và được áp dụng khá rộng rãi tại Ấn độ (Journal of Water and Health Số 3-2005).

Lưu ý! Một số canxi trong lá cây chùm ngây ở dạng như tinh thể calcium oxalate có thể ức chế khả cấp canxi cho cơ thể. Không phải rõ ràng trong việc tính toán lượng canxi trong lá cây chùm ngây ở dạng khả dụng hay canxi không khả dụng sinh học.

Tóm lại: Cây Chùm ngây có khả năng phòng và trị rất nhiều bệnh như: Ung thư, tiểu đường, thiếu máu, còi xương, bệnh tim mạch, ung loét, co giật, bệnh gan... Nó giúp hạ huyết áp và hạ cholesterol, chống oxy hóa...

Mặc dù trong kinh nghiệp dân gian và Đông y đã có nhiều trải nghiệm thực tiển nhưng về mặt khoa học chính xác cần có thêm nhiều nghiên cứu và kết luận của Tây y, không nên quá chủ quan kỳ vọng thái quá vào các bài thuốc dân gian và Đông dược.

Chùm ngây là loài cây chống suy giảm dinh dưỡng


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đều đề cao cây chùm ngây, coi nó là cứu tinh cho người nghèo, đặc biệt ở các nước thuộc thế giới thứ 3.

Lá non có thể hái làm rau cho con người, tăng thành phần dinh dưỡng và giúp phát triển nông thôn thêm phần tự túc nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Được Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) khuyến cáo nên trồng và phát triển rộng.

Theo FAO, bằng cách trồng cây chùm ngây, nhà nông có thể tận dụng đất xấu, cây cho nhiều bộ phận giàu dinh dưỡng và được thu hoạch như một loại rau.

Cây chùm ngây đã được sử dụng để chống suy dinh dưỡng, đặc biệt là trẻ sơ sinh và bà mẹ đang cho con bú.
Hình ảnh cây chùm ngây
Đối với trẻ em từ 1-3 tuổi, cứ ăn 20g lá chùm ngây tươi là cung ứng 90% Calcium, 100% Vitamin C, Vitamin A, 15% chất sắt, 10% chất đạm cần thiết và hàm luợng Potassium, Đồng…và Vitamin B bổ sung cần thiết cho trẻ.

Đối với các bà mẹ đang mang thai và cho con bú, chi cần dùng 100g lá tươi mỗi ngày là đủ bổ sung Calcium, Vitamin C, VitaminA, Sắt, Đồng, Magnesium, Sulfur, các vitamin B cần thiết trong ngày.

(Nguồn: http://www.moringatree.co.za/analysis.html)

Bốn Tổ chức phi chính phủ (NGOs) gồm:


Trees for Life International
Church World Service
Educational Concerns for Hunger Organization

Và Volunteer Partnerships for West Africa đã quan tâm đến nạn suy dinh dưỡng ở thế giới thứ 3 và ủng hộ chủ trương của FAO để cải thiện sức khỏe người nghèo bằng cách phát động trồng nhiều cây chùm ngây.

Các Tổ chức này cho rằng: “ Cây chùm ngây đặc biệt hứa hẹn như là một nguồn thực phẩm ở vùng nhiệt đới bởi vì cây lá mọc đầy đủ vào cuối mùa khô khi các loại thực phẩm khác thường khan hiếm” và “ cây chùm ngây chính là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho vùng nhiệt đới."

Các công dụng khác của cây chùm ngây


Các công dụng thực phẩm khác

Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, và là một nguồn cung cấp chất đạm, vitamins, beta-carotene, acid amin và nhiều hợp chất phenolics…

Quả non được dùng như đậu ve.

Rễ cây được dùng ở Châu Âu làm gia vị kích thích tiêu hóa thế Cải gia vị (Raifort hay Horse Radish - Cải ngựa).

Hoa chùm ngây phơi khô có thể dùng nấu lấy nước uống như một loại trà.

Hạt khô chứa loại 38-40% dầu béo ăn được gọi là dầu ben giàu axit behenic, dầu không mùi, chống vị ôi, dược dùng trong thực phẩm, mỹ phẩm và nhiên liệu sinh học.

Hột khô rang ăn (như Đậu phộng); dầu hột Chùm ngây ăn được, thuộc dầu lâu khô nên có thể dùng làm mỹ phẩm hay tá dược.

Ở vùng nhiệt đới, lá chùm ngây được dùng làm thực phẩm cho gia súc.

Làm nguyên liệu thực phẩm, mỹ phẩm, tân dược và công nghiệp:

Mỹ hiện nay là nước nhập nguyên liệu Cây chùm ngây thô nhiều nhất, sử dụng trong công nghê nước uống, mỹ phẩm cao cấp, và quan trong hơn là chiết suất thành nguyên liệu tinh cung ứng cho công nghiệp dược phẩm, hóa chất.

Nghiên cứu rộng rãi nhất về giá trị của cây chùm ngây được thực hiện tại Trường Đại học Nông Nghiệp Falsalabad, Pakistan cho biết cây chùm ngây là một loài cây có giá trị kinh tế cao, cây phân bố tại nhiều quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây vừa là một nguồn dược liệu và là một nguồn thực phẩm rất tốt.

Ở Jamaica, nhựa cây được sử dụng cho một loại thuốc nhuộm màu xanh.

Bánh dầu được sử dụng làm phân bón và làm chất khử nước nhờ chất keo kết tụ chất cặn bả trong nước.

Lá cây chùm ngây dùng để dưỡng da: Tại Mỹ và các nước Châu Âu, cây chùm ngây được sử dụng rộng rãi trong công nghệ dưỡng da, mỹ phẩm cao cấp.

Cách dùng đơn giản, các bà các cô có thể áp dụng ngay: giã nhuyễn 20g lá, để không hoặc trộn với dầu lấy từ hạt Chùm ngây thoa đắp 2 lần, mỗi lần 7 phút trong một ngày, trong một tuần sẽ thấy hiệu nghiệm.

Lưu ý! Không nên ủ đắp trên da mặt quá lâu trên 10 phút (theo kinh nghiệm từ quý bà).

Bột hạt cây chùm ngây dùng để lọc nước: Bột hạt cây chùm ngây được đánh giá có khả năng lọc nước tốt. Người ta nghiền hạt cây chùm ngây khô thành bột rồi hòa với ít nước thành một “dịch cái” rồi tùy theo độ bẩn của nước muốn khử trùng mà pha vào từ 1- 3% dịch cái ấy, khuấy đều và để lắng. Chất gôm trong bột hạt chùm ngây có tác dụng như một chất điện phân đa cực sẽ thu hút vi trùng và bụi bẩn rồi lắng đọng xuống đáy. Mặt khác các chất có hoạt tính kháng sinh nói trên cũng tiêu diệt vi trùng và nấm mốc trong nước.

Kết quả cho thấy rằng với bột từ hạt chùm ngây làm giảm ô nhiễm nguồn nước và giảm số lượng vi khuẩn sau khi sử lý. Cách này được áp dụng ở Ấn Độ và Châu Phi để lọc nước sông, nước ao và nước giếng để dùng trong sinh hoạt và ăn uống.

Phương pháp lọc này rất hữu dụng tại các vùng nông thôn của các nước nghèo..và được áp dụng khá rộng rãi tại Ấn độ (Journal of Water and Health Số 3-2005).

Tuy nhiên, những chất bổ dưỡng có trong hột Chùm ngây cũng có thể là nguồn thức ăn cho một số vi sinh vật phát triển sau lắng lọc! Do đó theo kinh nghiệm ở Việt Nam nên dùng phèn chua để làm trong nước, sau khi lắng cặn cho nước vào túi nylon và phơi nắng trong 1 ngày thì có nước sạch để dùng, cách này tiện lợi hơn.

Một số bài thuốc từ cây chùm ngây


1- Trị u xơ tiền liệt tuyến: Dùng 100g rễ Chùm ngây tươi và 80g lá Trinh nữ hoàng cung tươi (hoặc dùng rễ Chùm ngây khô 30g và lá trinh nữ hoàng cung khô 20g). Đem nấu với 2 lít nước, nấu còn lại nửa lít thuốc. Uống ấm 3 lần trong ngày. (theo Lương y Nguyễn Công Đức -ĐH Y Dược, TP.HCM).

2- Trị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, giúp ổn định huyết áp, ổn định đường huyết, bảo vệ gan: Mỗi ngày dùng 150g lá Chùm ngây non rửa sạch, giã nát, thêm 300ml nước sạch vắt lấy nước cốt (hoặc dùng máy xay sinh tố), thêm 2 muỗng canh mật ong trộn đều, chia uống 3 lần dùng trong ngày. (theo Lương y Nguyễn Công Đức- ĐH Y Dược, TP.HCM).

3- Trị tăng cholesterol, tăng lipid máu, tăng triglycerid, hoặc làm giảm acid uric, ngăn ngừa sỏi oxalate: Mỗi ngày dùng 100gr rễ chùm ngây tươi (hoặc 30gr khô) rửa sạch, nấu với 1 lít nước, nấu sôi 15 phút, để uống cả ngày. (theo Lương y Nguyễn Công Đức- ĐH Y Dược, TP.HCM).

4- Công dụng ngừa thai: Đây là loại cây được đồng bào người Raglay dùng làm thuốc ngừa thai - cứ 5 ngày thì dùng 2 nắm rễ cây chùm ngây còn tươi (150g) rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước, nấu còn nửa lít thuốc, chia uống 2 lần trong ngày. Phụ nữ Raglay trong tuổi sinh đẻ nếu uống nước sắc rễ chùm ngây thì sẽ không có thai. Tuy nhiên, cần lưu ý, phụ nữ đang có thai thì không được dùng cây chùm ngây. (theo Lương y Nguyễn Công Đức- ĐH Y Dược, TP.HCM).

5- Chùm ngây dùng để lọc nước: Lấy 2 trái chùm ngây tươi đã có hột già, lấy hột giã nát, trộn đều 5 phút với 3 lít nước đục, để lắng 2 giờ thì có nước trong dùng được. (theo Lương y Nguyễn Công Đức- ĐH Y Dược, TP.HCM).

Trồng cây chùm ngây


Cây chùm ngây hiện được trồng trên 80 quốc gia trên thế giới, những quốc gia tiên tiến đã sử dụng rộng rãi và đa dạng trong công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát dinh dưỡng và thực phẩm chức năng. Các quốc gia đang phát triển sử dụng chùm ngây như loài cây diệu kỳ vừa là loài rau sạch giàu dinh dưỡng kết hợp chữa những bịnh hiểm nghèo, bệnh thông thường và thực phẩm dinh dưỡng.

Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, và là một nguồn cung cấp chất đạm, vitamins, beta-carotene, acid amin và nhiều hợp chất phenolics. Cây Chùm Ngây cung cấp một hỗn hợp pha trộn nhiều hợp chất như zeatin, quercetin, beta-sitosterol caffeoylquinic acid và kaempferol, rất hiếm gặp tại các loài cây khác.

- Ấn Độ là nước trồng cây chùm ngây lớn nhất thế giới với diện tích đến 38.000 ha. Ngoài việc dùng lá làm rau và thức ăn gia súc và làm thuốc thảo mộc dùng trong dân gian, hàng năm cón sản xuất từ 1,1 đến 1,3 triệu tấn quả khô để dùng trong công nghiệp và xuất khẩu.

Những nơi trồng cây chùm ngây nhiều nhất ở Ấn Độ là Tiểu bang Andhra  Pradesh (15.665 ha), Tiểu bang Karnataka (10.280 ha), Tiểu bang Tamil Nadu (7.408 ha) và ở các Tiểu bang khác (4.613 ha).

- Từ Ấn Độ, cây chùm ngây được giới thiệu và phát triển ở Sri Lanka.

- Ở Thái Lan cây chùm ngây được rồng phổ biến để làm hàng rào, lá dùng để làm rau và các bộ phận của cây được dùng làm thuốc.

- Ở Mỹ cây chùm ngây được du nhập và trồng ở các bang phía Nam có khí hậu nóng và đang được trồng thương mại ở Hawaii.

- Ở Đài Loan cây chùm ngây được Tổ chức FAO giới thiệu về Trung tâm Rau quà Á Châu và giao nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển nhằm chống suy dinh dưỡng và xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển.

- Ở Philippines, trong năm 2007, Thượng nghị sĩ Loren Legarda của Philippines vận động cho việc phổ biến trồng cây chùm ngây. Bà đã yêu cầu Chính phủ đầu tư khuyến khích nhân dân trồng và chế biến cây chùm ngây. Trong đó có món lá cây chùm ngây polvoron (một loại sữa bột ăn nhẹ), nhiên liệu sinh học , và tinh dầu.

Cây chùm ngây được nhân giống bằng cách trồng cây cao đến  1-2 m cắt cành lá, thời gian trồng tốt nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Sau khi trồng 6-8 tháng cây bắt đầu ra nụ ra nụ hoa. Cũng có thể gieo bằng hạt với mật độ vườn ươm khoảng 20-25 cm/cây. Cây dể trồng, chịu dựng được khô hạn, có thể gieo hạt quanh năm. Tố nhất nên gieo hạt vào đầu mùa mưa và trồng cây vào đầu mùa mưa năm sau.

- Hiện nay cây chùm ngây cũng được trồng rộng rãi ở Châu Phi, Campuchia, Nepal, Indonesia, Malaysia, Mexico, Trung và Nam Mỹ, và Sri Lanka.

- Ở Việt Nam cây chùm ngây có trong tự nhiên từ lâu đời. Tại vùng núi ở Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) có nhà chỉ trồng nó làm hàng rào. Nay bà con mới biết tới các công dụng của nó. Huyện đã xây dựng một dự án để bảo tồn và phát triển cây chùm ngây. Họ dành tới 3.000m2 để làm vườn nhân giống.

Chùm ngây là loại cây thân gỗ. Nó có thể cao tới 5-6m, cây rất dễ trồng, dễ sống. Nó không kén đất, ít tốn phân. Ta có thể trồng quanh hàng rào, trồng ở những bãi đất trống, trồng dọc đường đi... Trồng khoảng 4-5 tháng là bắt đầu có thể thu lá. Lá bán rất đắt, 12.000 đồng/mớ.

Hầu như chưa thấy loài sâu bọ nào phá hoại chúng. Nó chịu hạn rất giỏi. Vì vậy, có thể trồng nó trên cả các gò, đồi, các vùng đất xấu. Chỉ có điều, nó chịu úng kém.

Hiện nay cây chùm ngây được trồng rải rác trong khắp cả nước và đang được Bộ Nông nghiệp khuyến khích trồng như một loại rau sạch giàu dinh dưỡng.

Ở phía Bắc đã có nơi tiến hành trồng chùm ngây. Công ty Intracom là một đơn vị xây dựng nhưng cũng mở thêm hướng sản xuất nông nghiệp. Họ trồng rau sạch, trong đó có cây chùm ngây. Rau bán rất chạy.

Nguồn: Kỹ sư Hồ Đình Hải

Đơn vị chia sẻ thông tin

  • Nhà Thuốc Thân Thiện - Friendly Pharmacy
  • Hotline: 0916893886 - 0856905886
  • Website: nhathuocthanthien.com.vn
  • Địa chỉ: Số 10 ngõ 68/39 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá